MỸ THO - CẦN THƠ - SÓC TRĂNG
CODE: PDMK017
Khởi hành theo yêu cầu
Mỹ Tho là một thành phố xinh đẹp và thơ mộng thuộc tỉnh Tiền Giang, một trong những thành phố có bề dày lịch sử lâu đời của vùng Đồg bằng sông Cửu Long và những truyền thuyết thú vị xung quanh cái tên "Mỹ Tho" được ví như một cô gái mỹ miều e ấp...
Vào năm 1679, một nhóm khoảng ba ngàn người Minh Hương được chúa Nguyễn cho định cư vùng đất mới này. Trong nhóm có Dương Ngạn Địch đứng ra lập Mỹ Tho đại phố ở làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa. Khu đại phố này kéo dài đến Cầu Vĩ, Gò Cát, tức khu vực xã Mỹ Phong hiện nay. Rất nhiều làng xã mọc lên xung quanh khu vực Mỹ Tho: Thái Trấn lập làng An Hoà (sau đổi là Thạnh Trị), Nguyễn Văn Trước lập làng Điều Hòa.

Từ những năm thế kỷ 17, Mỹ Tho đã trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất vùng Nam Bộ bấy giờ (trung tâm còn lại là
Cù lao Phố, Biên Hòa). Sự hưng thịnh của phố chợ Mỹ Tho cho thấy nền sản xuất nông - ngư nghiệp và kinh tế hàng hóa địa phương ở thời điểm đó đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là đối với ngành thương mại.
Năm 1772, Mỹ Tho thuộc đạo Trường Đồn, đến năm 1779 đạo Trường Đồn được nâng lên thành dinh Trường Đồn. Năm 1781, dinh Trường đồn lại đổi tên thành dinh Trấn Định. Đến năm Nhâm Tý (1792) Mỹ Tho trở thành trung tâm kinh tế thương mại sầm uất, Chúa Nguyễn cho dời lỵ sở dinh Trấn Định về chợ Mỹ Tho thuộc thôn Mỹ Chánh (khu vực Chợ Cũ thuộc phường 2, 3 và 8 ngày nay) và cũng tại đây chúa Nguyễn đã cho xây dựng thành Trấn Định. Thành được xây theo đồ họa kiến trúc của ông Trần Văn Học.
Năm 1826, vua Minh Mạng lại cho dời lỵ sở trấn Định Tường sang phía tây sông Bảo Định thuộc hai thôn Điều Hòa và Bình Tạo của huyện Kiến Hưng (nay thuộc các phường 1, 4 và 7), phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Cũng trong năm này, ông Dương Tấn Tuyên lập một ngôi chợ bên cạnh thành mới tại khu vực chợ Mỹ Tho ngày nay.
Năm 1956, Chính quyền Việt nam Cộng Hòa lập lại tỉnh Định Tường, giải thể thị xã Mỹ Tho, nhập địa bàn vào xã Điều Hòa. Ngày 30 tháng 9 năm 1970, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cải biến xã Điều Hòa thành thị xã Mỹ Tho, đến ngày 10 tháng 6 năm 1971, chia địa bàn thành 6 khu phố.
Cuối năm 1976, thị xã Mỹ Tho được mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt nam nâng lên thành thành phố Mỹ Tho, trực thuộc Khu 8.
Từ năm 1976 đến 2005, Mỹ Tho được công nhận là thành phố cấp 3 và từ 2005 là đô thị loại 2.
CẦN THƠ
Tỉnh Cần Thơ là vùng đất màu mỡ và trù phú nhất của đồng bằng sông Cửu Long. Câu ca dao xưa: "Cần Thơ gạo trắng nước trong" như gói trong ấy sự sung túc của người dân khi mà cả một thời gian dài hạt gạo và lu nước đã trở thành chuẩn mực của sự no đủ!
Cùng với ưu thế về địa lý, Cần Thơ nhanh chóng trở thành trung tâm vùng về kinh tế, giao thông, khoa học, thương mại và tất nhiên là cả du lịch. Những năm cuối thời Pháp thuộc, những người dân Nam Bộ đã phong cho Cần Thơ là "Tây Ðô". Cần Thơ có hàng trăm con kênh, rạch đan xen chằng chịt như những mạch máu mang phù sa sông Hậu bồi đắp cho những cánh đồng tươi tốt và thi vị hơn là những chuyến du ngoạn trên những chiếc thuyền len lỏi qua những vùng quê trù phú, những cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay, những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả, những vườn chim ríu rít tiếng gọi đàn và đâu đó man mác ngân nga giọng ca tài tử....

Nơi đây giao thông chính là đường thủy, bằng một chiếc thuyền nhỏ du khách có thể đến được bất cứ nơi nào mình muốn: Phiên chợ nổi nhộn nhịp, ồn ào buổi ban mai; những khu vườn cây ăn trái, những cù lao, những nông trường... bởi có mối liên hoàn đi lại bằng đường thủy của cư dân thời chưa có đường bộ. Mỗi con rạch, dòng kênh đưa ta đến một vùng đất lạ với nét sinh thái độc đáo hiếm thấy.
Cần Thơ không chỉ nổi tiếng là vựa lúa trong vùng mà còn có tên của các loài cây trái. Vào bất kỳ vườn nào ta cũng bắt gặp những cây bưởi "năm roi" trĩu quả - loại bưởi ăn vào vị ngọt cứ mát lạnh đến tận bao tử mà chỉ đất Vĩnh Long, Cần Thơ mới trồng được. Cùng với bưởi, các khu vườn, mùa nào thứ đó - chôm chôm, ổi, cam sành, quýt đường, xoài cát, sầu riêng, măng cụt, đu đủ, nhãn, mận,... Khắp bảy huyện, thị xã của Cần Thơ, nơi nào cũng sum suê những vườn cây ăn trái. Xuôi về phương nam qua Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thanh, Vị Thủy, Long Mỹ là xứ sở của cam sành, quýt đường ngọt sắc cùng những vườn xoài cát, nhãn, chôm chôm. Còn ngược hướng tây theo đường thủy hoặc quốc lộ 91, ta bắt gặp những loại trái cây đặc thù vùng sinh thái nhiệt đới: Bưởi, sầu riêng, cam, quýt. Ô Môn nổi danh với hai loại bưởi thuộc hàng đặc sắc của các loài cây có múi là bưởi "năm roi" và bưởi "thanh kiều". Bưởi trồng bạt ngàn trong các nhà vườn và bưởi bày thành đống, san sát nhau dọc con đường trung tâm thị trấn.
Xuôi về Thốt Nốt, huyện cuối phía tây với cù lao Tân Lộc sẽ là một khám phá thú vị. Nơi đây ta có dịp tìm hiểu về nét văn hóa xưa của một vùng đất qua những ngôi nhà cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ cùng những phong tục tập quán và thưởng thức những món ăn dân dã: gỏi khô cá sặt, cá tai tượng chiên xù, lẩu mắm, cá rô kho tộ, canh chua cá bông lau... Cũng ở huyện lúa Thốt Nốt, có vườn cò Bằng Lăng như một sự bổ khuyết cho bức tranh sinh thái toàn diện của Cần Thơ. Hàng chục nghìn chim cò với đủ loại, cò ngà, cò quắm, cò cá, cò ruồi, cò ma, cò sen, cò đúm... tụ tập về làm tổ và sinh sống. Nét độc đáo và sự phong phú hệ sinh thái đồng bằng của Cần Thơ đã thật sự tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch đất này.
CHƯƠNG TRÌNH 3 NGÀY 2 ĐÊM
NGÀY 1: TP.HCM - MỸ THO - CẦN THƠ
Khởi hành đi Mỹ Tho - một thành phố thơ mộng hiền hòa nằm bên bờ sông Tiền quanh năm chở nặng phù sa bồi đắp, cách Tp.HCM 72km.
Đến Mỹ Tho không thể không đến thăm chùa cổ Vĩnh Tràng - một chùa cổ có hơn 100 năm thuộc phái Đại Thừa với vô số những pho tượng có giá trị được chạm khắc tinh vi, đặc biệt là bộ tượng Thập bát La Hán bằng gỗ rất độc đáo.

Một điều thú vị không kém khi đến với thành phố Mỹ Tho là ngồi thuyền dạo trên sông Tiền ngắm nhìn 4cù lao trên sông với tên gọi ngộ nghĩnh: Long - Lân - Qui - Phụng. Người dân nơi đây đã yêu thương đặt tên cho 4cù lao ấy theo tên gọi của Tứ Linh (4con vật quan trọng trong đạo Phật) nhằm ví như 4báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh Tiền Giang & thành phố Mỹ Tho.
Cập thuyền lên CÙ LAO THỚI SƠN (Cồn Lân) - nơi được xem là cái nôi của nghệ thuật đàn ca tài tử Nam Bộ. Vào tham quan vườn trái cây - nghe nhạc tài tử và thưởng thức trái cây tươi đủ loại theo mùa.
Tiếp tục ngồi xuồng chèo len lỏi qua các rặng dừa nước rợp bóng khám phá các kênh rạch chằng chịt vùng Đồng khởi Bến Tre. Vào tham quan lò kẹo dừa đặc sản, Trại nuôi Ong mật, thưởng thức đặc sản kẹo dừa nóng và giải khát với trà mật ong - món thức uống dân dã nhưng rất bổ dưỡng của người dân địa phương. Tham quan nhà cổ 3 gian đặc trưng vùng Tây Nam Bộ và giao lưu với các nông dân chân lấm tay bùn.
- Ăn trưa với những món ăn đặc sản vùng ĐBSCL :cá Lóc nướng trui/ cá Tai tượng chiên xù cuốn bánh tráng, gà rôti, canh chua cá kho tộ,…)

Về lại tp.Mỹ Tho, tiếp tục bằng xe đi Cần Thơ - nơi được mệnh danh là Tây Đô nổi tiếng một thời và là Trung tâm Kinh Tế Văn Hoá của cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Thật không ngoa khi một thi sĩ đã ca ngợi Cần Thơ qua những vần thơ mộc mạc nhưng chứa đựng một hàm ý sâu xa:
"Cần Thơ gạo trắng nước trong, Ai đi đến đó lòng không muốn về."
Đến Cần Thơ nhận phòng KS. Ăn tối và tự do dạo bến Ninh Kiều và chợ trái cây Cần Thơ khám phá Tây Đô về đêm.
NGÀY 2: CHỢ NỔI CÁI RĂNG - SÓC TRĂNG
Thức dậy vào sáng sớm ngắm bình minh trên sông Hậu và thưởng thức một ngày mới đầy lạ lẫm và thú vị nơi miền đất Chín Rồng. Đi thuyền trên sông Hậu tham quan chợ nổi Cái Răng - một trong những nét văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ với các hoạt động trao đổi hàng hóa - mua bán - sinh hoạt đều diễn ra trên thuyền theo một phong cách kinh doanh thú vị: "Treo gì bán nấy" (Mỗi chiếc thuyền đều có một cây sào dựng trước mũi thuyền và tất cả những hàng hoá trao đổi mua bán đều được treo trên cây sào ấy). Du khách sẽ có dịp tham gia chợ nổi, mua các sản phẩm cây trái địa phương,giao lưu với các thương buôn và tìm hiểu sâu hơn về một Nền Văn Minh sông nước Miệt Vườn.
Ăn trưa tại một nhà dân địa phương với các món ăn dân dã đặc sản miền Tây.
Khởi hành đi Sóc Trăng bằng xe, tham quan Ao Bà Om - di tích chùa Dơi, giao lưu với các làng người Khmer tìm hiểu nền Văn hoá đặc trưng tiểu vùng Sông Mekong và Phật giáo Tiểu Thừa. Về lại Cần Thơ, ăn tối và tự do sinh hoạt.
.jpg)

NGÀY 3: CẦN THƠ - TP.HCM
Tự do đi dạo chợ Cần Thơ mua quà miền Tây.
Khởi hành về lại Tp.Hồ Chí Minh, trên đường tham quan Cầu Mỹ Thuận và ngắm toàn cảnh sông Mekong từ trên cầu, dừng chân nghỉ ngơi thư giãn tại các trạm dừng trên đường. Tiếp tục hành trình về lại Tp.HCM. Kết thúc những ngày tham quan thú vị về vùng sông nước ĐBSCL.

PD TOURISM cùng Bạn khám phá Thế giới!  
|