HOA LƯ- TAM CỐC - CÔN SƠN KIẾP BẠC
Tour 5 Ngày/4Đêm
KHU DI TÍCH CÔN SƠN - KIẾP BẠC
Là một trong 62 Di tích quốc gia quan trọng của Việt Nam.
Quần thể di tích này thuộc địa bàn thị xã Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương, nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời nhà Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quan Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang,…
Ngày 18/6/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 920/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trong dịp Lễ hội mùa thu năm 2012, Khu Di tích lịch sử - văn hóa CÔN SƠN - KIẾP BẠC đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn tên chữ là "Thiên Tư Phúc Tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét. Tiếp đến nhà Tổ là nơi thờ các vị tổ có công tu nghiệp đối với chùa: Điều ngư Trúc Lâm Trần nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang.
Tam quan có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê.
Chùa nằm dưới chân núi Côn Sơn. Tương truyền nơi đây là nơi hun gỗ làm than và đã từng diễn ra trận hoả công hun giặc, dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X. Nên ngoài tên gọi Côn Sơn, núi còn có tên là Kỳ Lân hay núi Hun. Chùa "Thiên Tư Phúc Tự" trong dân gian quen gọi theo tên núi là Chùa Côn Sơn hay còn gọi là Chùa Hun.
Thiền sư Huyền Quang vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm - một thiền phái mang màu sắc dân tộc Việt Nam đã về tu ở chùa Côn Sơn. Tại Côn Sơn Huyền Quang cho lập đài Cửu phẩm liên hoa, biên tập kinh sách, làm giảng chủ thuyết pháp phát triển đạo phái không ngừng. Ngày 22 tháng 1 năm Giáp Tuất (1334) Thiền sư Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông đã cấp cho ruộng để thờ và cho xây tháp tổ sau chùa, đặc phong Tự Tháp "Huyền Quang tôn giả".
Chùa Côn Sơn có từ thời Đinh, năm Khai Hựu nguyên niên (1329), thời nhà Trần được Pháp Loa tôn tạo với quy mô lớn. Dấu vết của lần trùng tu này còn hiện diện đến nay.
Đền Kiếp Bạc
Kiếp Bạc là tên ghép của hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Nơi đây là thung lũng trù phú, xung quanh có dãy núi Rồng bao bọc. Vào thế kỷ 13, đây là nơi đóng quân và là phủ đệ của Trần Hưng Ðạo, người anh hùng dân tộc, người chỉ huy quân sự tối cao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Ðền thờ Trần Hưng Đạo được dựng vào đầu thế kỷ 14, trên một khu đất ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc. Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Ðạo, phu nhân, hai con gái, Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Ðẩu và 4 bài vị thờ bốn con trai. Hàng năm, hội đền được tổ chức vào ngày mất của Trần Hưng Ðạo (ngày 20 tháng 8 âm lịch).
.jpg)
NINH BÌNH
Ninh Bình là tỉnh ở phía nam của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi tiếp giáp và ngăn cách miền Bắc với miền Trung bởi dãy núi Tam Điệp hùng vĩ. Phía bắc và đông bắc giáp tỉnh Hòa Bình và Hà Nam, phía nam giáp tỉnh Thanh Hoá và biển Đông, phía đông giáp tỉnh Nam Định, phía tây giáp Thanh Hóa. Địa hình phân bố khá phức tạp. Vùng đồi núi, vùng nửa đồi núi phân bố rải rác theo các vùng đồng bằng xen kẽ, Ninh Bình có 18km bờ biển.
Ninh Bình là một tỉnh giàu tiềm năng về du lịch. Thiên nhiên đã ban tặng chovùng đất này nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nhiều hang động nổi tiếng như Tam Cốc - Bích Động, Địch Lộng, động Tiên, động Hoa Sơn... Vườn quốc gia Cúc Phương nổi tiếng với hệ động thực vật phong phú đặc biệt là cây chò 1.000 năm tuổi. Mảnh đất này từ xa xưa đã từng là kinh đô của nước Đại Cổ Việt (tên của Việt Nam xưa) từ năm 968 đến 1010. Vì vậy, vùng đất này có rất nhiều di tích lịch sử như cố đô Hoa Lư, quần thể nhà thờ Phát Diệm, chùa Non Nước... Tất cả những di tích và danh lam thắng cảnh này đã trở thành những điểm du lịch rất hấp dẫn khách trong và ngoài nước.
Đền Vua Đinh
Ðền toạ lạc trên khuôn viên diện tích chừng 5ha, thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Ðền được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17, theo kiểu "nội công, ngoạiquốc". Lớp ngoài là Ngọ môn quan (cổng ngoài) có 3 gian lợp ngói. Qua một sân ngắn vào đến lớp thứ hai là đến Nghi môn (cổng trong) 3 gian dựng bằng gỗ lim kiến trúc theo 3 hàng chân cột. Bốn góc ngoài của Nghi môn nội có xây bốn cột trụ cao. Ði hết chính đạo, qua hai cột trụ lớn là đến sân rồng. Giữa sân rồng có một long sàng bằng đá xung quanh chạm nổi, dài 1,8m, rộng 1,4m. Hai bên sập rồng có 2 con nghê đá chầu, được tạc trên hai tảng đá xanh nguyên khối đẹp.
Từ sân rồng bước lên là Bái đường 5 gian, kiến trúc độc đáo. Tiếp đến là Thiêu hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, nơi thờ tứ trụ triều đình nhà Ðinh. Ði hết toà Thiêu hương du khách bước vào chính cung 5 gian. Gian giữa thờ tượng vua Ðinh được đúc bằng đồng đặt trên bệ thờ bằng đá xanh nguyên khối. Hai bên bệ đá có hai con rồng chầu bằng đá, tạc theo kiểu yên ngựa. Gian bên phải thờ tượng Ðinh Phụng Lang (ngoài), Ðinh Ðế Toàn (trong) đều quay mặt về phía bắc, là hai con thứ của vua Ðinh Tiên Hoàng. Gian bên trái thờ tượng Ðinh Liễn quay mặt về phía nam là con trưởng của vua Ðinh Tiên Hoàng.
Ðền Ðinh Tiên Hoàng là một kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17 - 19. Ðền vua Ðinh nằm giữa các tán cây đại thụ, các vườn cây ăn quả, cây cảnh đan xen nhau càng tạo nên vẻ bề thế, hoành tráng tôn nghiêm của ngôi đền.
Tam Cốc - Bích Động
Năm 1773, cụ Nguyễn Nghiễm (thân sinh của đại thi hào Nguyễn Du) đã đến thăm động. Nhìn toàn cảnh núi, động, sông nước, đồng ruộng, bầu trời ở đây đều phủ một màu xanh ngợp mắt nên cụ đã đặt cho động một cái tên rất đẹp và mộng mơ "Bích Ðộng" (có nghĩa là Ðộng Xanh). Ðến đây du khách sau khi viếng thăm chùa, con thuyền nhỏ sẽ đưa du khách đi quanh co trong hang núi huyền ảo. Bích Ðộng đã được mệnh danh là "Nam Thiên đệ nhị động" (động đẹp thứ nhì ở trời Nam).
Từ Bích Ðộng du khách tiếp tục ngồi thuyền đi thăm Tam Cốc. Tam Cốc nghĩa là ba hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Lúc thuyền luồn vào ba hang, du khách sẽ cảm thấy mát lạnh. Thạch nhũ từ trần hang rủ xuống lô nhô óng ánh như những khối châu ngọc kỳ ảo.

Chương trình tham quan 5Ngày
NGÀY 1: TP.HCM - HÀ NỘI
Xe đưa khách ra sân bay TSN khởi hành đi Hà Nội. Đến sân bay Nội Bài, xe đón khách về KS nhận phòng. Ăn trưa.
Tham quan một vòng Hà Nội với Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, chùa Trấn Quốc, ... Thưởng thức đặc sản bánh Tôm hồ Tây thay bữa cơm chiều.
NGÀY 2: HÀ NỘI - CÔN SƠN KIẾP BẠC - HẠ LONG
Khởi hành bằng xe đi Hạ Long. Trên đường dừng chân Chí Linh tham quan di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, nơi còn lưu dấu bao huyền thoại về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và nhà Đại Thi hào - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi Viên năm xưa.
Ăn trưa tại Sao Đỏ. Tiếp tục hành trình đi Hạ Long. Ăn tối và tự do đi dạo Phố biển Hạ Long về đêm.
NGÀY 3: THAM QUAN HẠ LONG
Thức dậy vào sáng sớm ngắm bình minh trên biển. Du thuyền tham quan Vịnh Hạ Long - đệ nhất thắng cảnh của miền Bắc, thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ vịnh Hạ Long, ngắm hòn Gà Chọi - đỉnh Lư Hương - hòn Chó Đá, bãi biển Titop,... cặp thuyền lên đảo tham quan động Thiên Cung - hang Đầu Gỗ,... Ăn trưa trên tàu và nghỉ ngơi thư giãn.
Lên xe về lại Hà Nội, dừng chân Hải Dương thưởng thức đặc sản bánh Gai & bánh Đậu xanh Rồng vàng. Về lại hà Nội, ăn tối và tự do đi dạo khám phá đất Hà Thành về đêm.

NGÀY 4: HÀ NỘI - HOA LƯ - TAM CỐC - BÍCH ĐỘNG - HÀ NỘI
Khởi hành đi Ninh Bình bằng xe. Tham quan chùa Bích Động, đến bến đò Thung Nắng ngồi thuyền chèo tham quan khu hang động Tam Cốc - Bích Động (nơi được mệnh danh là Nam Thiên Đệ Nhị Động), vào tham quan hang Cả - hang Hai - hang Ba và ngắm cảnh nước non hữu tình. Ăn trưa tạinhà hàng.
Tiếp tục đến thăm cố đô Hoa Lư: viếng đền vua Đinh - vua Lê, ngắm núi Mã Yên,...
Lên xe về lại hà Nội. Ăn tối và tự do đi dạo 36 phố phường Hà Nội.
NGÀY 5: HÀ NỘI - TP.HCM
Viếng lăng Bác, tham quan nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, bảo tàng Hồ Chí Minh,...
Tự do tham quan chợ Đồng Xuân mua quà đặc sản Ô Mai các loại. Đến giờ xe tiễn khách ra sân bay về lại Tp.HCM. Kết thúc chuyến tham quan thú vị về miền Kinh Bắc xa xôi nhưng đầy giá trị nhân văn.
PD TOURISM - Cùng Bạn khám phá Thế giới! 
|